Tác giả:
LÊ TÂM ANH
|
|
|
Sau khi đi làm ca đêm về đến nhà lúc 8:00AM, tôi thường dành thêm 30 phút đi bộ ngoài công viên trước nhà. Riết rồi cũng thành thói quen và hôm nào không đi thì cảm thấy hình như thiếu vắng một cái gì! Cũng vì thế mà tôi lại được làm quen với nhiều người Việt ta trên con đường lòng vòng đi bộ trong công viên. Và cũng vì thế mà tình cờ tôi quen biết với những con người bình thường thôi nhưng lại rất đặc biệt. Họ không bao giờ có tên trên văn đàn, cũng chẳng bao giờ viết văn hoặc làm thơ, nhưng họ lại là những nhà phê bình văn học vô cùng thâm thuý.
Có một hôm nọ tôi đi bộ song hành với một ông bạn già cùng xóm mới quen; bỗng dưng ông ta đi chậm lại kéo tay tôi, rồi hỏi thăm:
-Xin anh bạn thứ lỗi, hình như anh có bài viết đăng trên Tuyển Tập Đồng Tâm phải không?
Tôi ngạc nhiên, rồi nhìn anh chậm rãi trả lời:
-Dạ, cũng có nhưng thỉnh thoảng thôi, mà sao ông bạn biết vậy?
-Số là thế này, tôi xưa nay vẫn ngưỡng mộ nhà văn Doãn Quốc Sỹ và nhóm Đồng Tâm kể từ ngày họ thành lập Văn Đàn đến nay cũng đã cách đây đã mấy năm lận! Chẳng dấu gì anh, tôi cũng là kẻ ham đọc sách nên đã đọc hầu hết những bài viết trong các tuyển tập do Văn Đàn Đồng Tâm xuất bản. Ở hải ngoại mà có được những nhà văn nhà thơ có lòng, có lý tưởng đúng đắn, có những tác phẩm giá trị cho mai sau là điều rất trân quí…
-Thưa Ông bạn! Xin ông tha lỗi, dám hỏi ông có chân trong nhóm Đồng Tâm hay không mà biết rõ thế?
-Da, không đâu, tôi chỉ là độc gỉả như hàng trăm hàng ngàn bạn đọc khác thôi, cũnh như xưa nay tôi chưa viết bài văn hay làm lấy vài câu thơ để được đăng trong các báo chí hay đặc san, nhưng tôi lại đọc và theo dõi báo chí và đặc san để cùng vui buồn với văn chương, nhất là những lúc sau này với văn chương Việt Nam hải ngoại, cũng đôi khi đọc văn từ trong nước và có cá nhìn so sánh … Theo tôi, hiện nay Văn Đàn Đồng Tâm là nhóm văn chương có mục đích tốt đẹp . . . nhưng tôi không thể so sánh với bất cứ nhóm văn nào, kể cả nhóm Sáng Tạo cách nay mấy thập niên, vì mỗi nhóm văn đều có cái hay riêng của nó vì mỗi nhóm lại ở vào khoảng không gian và thời gian khác nhau lại ở trong thế đứng khác nhau tuy cả hai vẫn phải tìm cho mình hướng đi riêng vì vẫn phải dùng phương cách sáng tạo ... À mà này anh bạn, chúng ta có đi quá xa, lạc đề tài chưa nhỉ?
Tôi thấy có lẽ ông cụ nói đúng, nên tôi giả lả bắt sang câu chuyện khác:
-Thưa … bác năm nay được bao nhiêu niên kỷ ?
-Tôi ấy à - đã gần 85 rồi đấy ông bạn tốt của tôi ạ.
….
Về đến nhà, tôi liếc lên kệ sách, những gáy bìa sách do Văn Đàn Đồng Tâm xuất bản nằm thứ tự lớp lang trên đó! Tôi mĩm cười suy nghĩ đến những lời nói của ông bạn gìa trong lúc đi bộ, cố tình không cho tôi viết tên lên bài viết! Những lời bình phẩm và khen ngợi của ông làm cho tôi lại bị tò mò, giở lại trang sách củ. Về Văn Đàn Đông Tâm, ta có thể đọc được trên rất nhiều sách báo từng đề cập đến như Ngưởi Việt, Việt Báo, Viễn Đông, trên các trang web. Đặc biệt trang web của Văn Đàn Đông Tâm là www.vienxumagazine1.com .
VĂN ĐÀN ĐỒNG TÂM (VĐĐT) được thành lập vào mùa hè năm 2005 do nhà văn Doãn Quốc Sỹ, nhà văn Tạ Xuân Thạc cùng Việt Hải thành lập với sự phân chia nhiệm vụ là: GS Doãn Quốc Sỹ là Cố vấn, BS Tạ Xuân Thạc là Chủ nhiệm, và Việt Hải Chủ bút. Những tác giả hội viên gia nhập ban đầu gồm một số nhỏ người như GS Nguyễn Thanh Liêm (Cố vấn), Hồng Vũ Lan Nhi (Trưởng nhóm VĐĐT Nam Cali), Dương Viết Điền, Mạc Phương Đình, Tăng Đức Sơn (Úc), Hoàng Huy Giang (Úc), Vũ Duy Toại (Đức), Hoàng Ngọc Lễ (Thụy Sĩ), Vũ Hối, Bùi Ngọc, Diệp Minh Nguyệt, Vũ Tiến Thăng, Lê Kim Anh, Bạch Hạc, Trang Long Hồ, Nguyễn Tuấn (Phila), Hoàng Thy, Vũ Đình Trường, Hoàng Định Nam,...
Sang năm thứ hai có sự gia nhập quý giáo sư Lê Hữu Mục (Cố vấn), Trần Thanh Hiệp (Cố vấn) cùng các hội viên như Phong Vũ, Đào Anh Dũng, Thi Hạnh, Linh Vang, Lê Anh Dũng, Tiểu Thu, Yên Thư, Hà Phương Hoài, Nguyễn Quý Đại, Tâm Thuận, Bích Phượng (Pháp), Trần Nhất Lang, Peter Morita, Tam Giang Hoàng Đình Báu, Quỳnh Giao, Peter Morita,... Những nhà văn thân hữu có Quyên Di, Nguyễn Vy Khanh, Võ Kỳ Điền, Thái Tú Hạp, Vương Trùng Dương,...
Cứ mỗi số thì hội viên mới gia tăng thêm, năm thứ ba có thêm giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh (Cố vấn), cùng Lê Bình, Lê Khắc Tánh, Diệu Tần Nguyễn Tinh Vệ, Nguyễn Cao Can, Nguyễn Thanh Huy, Thụy Vi (Pháp), Trang Bích Diễm, Đóa Hoa Hồng, Nguyễn Ngọc Linh, Trịnh Thanh Thủy, Vũ Uyên Giang, Phan Bá Thụy Dương, Cát Biển, Vân Khanh, Bùi Thanh Mai, Chu Tất Tiến, Nguyễn Thu Hương, Nguyễn Tri Phương, Phiến Đan, Dáng Thơ, Vũ Tùng Vân, Quỳnh Hương, Phan Đình Minh,...Năm thứ tư VĐĐT tròn 4 tuổi, sự hưởng ứng đối với VĐĐT thật khích lệ. Mỗi năm VĐĐT cố gắng tổ chức những buổi ra mắt sách (RMS) ở những địa phương khác khi có có thể, để cho đại chúng có thể tham dự RMS, cũng như cố gắng tạo cho bạn bè thân hữu cơ hội đồng đều, cũng trong tinh thần đó là để các bạn ở những vùng địa lý khác tỏ tình thân ái và khắng khít nhau hơn. VĐĐT hoạt động tại ba khu vực chính là Houston, Nam Cali và Bắc Cali. Trong ý hướng phát triển VĐĐT còn có dự định sẽ tổ chức những buổi RMS tại hải ngoại như tại Pháp, Đức, Úc, Canada, hay trong nội địa Hoa Kỳ như hai tiểu bang Minnesota và Florida.
Phương châm của VĐĐT là "Nâng đỡ những cây bút trẻ, vinh danh những nhà văn lớn". Trong chiều hướng như vậy, VĐĐT cho ra 2 loại ấn phẩm: Tuyển tập Đồng Tâm định kỳ 6 tháng phát hành vào xuân và mùa hạ mỗi năm, những quyển sách này là những trao đổi văn chương chữ nghĩa giữa các thế hệ viết văn, người đi trước, kẻ đến sau, họ truyền những kinh nghiệm cho nhau, nhất là VĐĐT đã đóng vai trò hướng dẫn cho những cây viết mới vào nghề về những kinh nghiệm của những người đi trước; đôi khi còn đóng vai trò giúp những ai có thiện chí muốn viết văn mà chưa quen lắm, viết sao cho khúc chiết gọn gàng, nếu chưa được như ý muốn thì sửa lại cho đến khi tác giả cảm thấy hài lòng thì lúc đó bài viết mới được đem vào Tuyển Tập Đồng Tâm số sẽ được phát hành gần nhất.
Loại sách thứ hai là ấn phẩm viết lại những nhật xét hay những kỷ niệm về những nhân vật có những đóng góp tích cực cho nền văn hóa nhân bản của Việt Nam dựa trên phạm vi văn học hoặc nghệ thuật. Loại sách này được mệnh danh là sách “KỶ NIỆM” Những bài viết tri ân hay vinh danh người của quần chúng. Cho nên VĐĐT xin được phép làm việc cụ thể như đã thực hiện :
KỶ NIỆM VỀ NHÀ VĂN DOÃN QUỐC SỸ
KỶ NIỆM VỀ TOÀN PHONG NGUYỄN XUÂN VINH
TỪ CHIẾN SĨ ĐẾN KHOA HỌC GIA
KỶ NIỆM VỀ NHẠC SĨ ANH BẰNG
Làm công việc này VĐĐT ước mong đóng góp những hạt ngọc quý vào tủ sách văn học, vì sau này những kỷ niệm ấy có thể là những tài liệu cho các thế hệ mai sau dùng để tham khảo về nhân vật mà một khía cạnh nào đó đã có công xây dựng cho nền văn hoá nhân bàn Việt Nam .
Ngoài ra, Văn Đàn Đồng Tân dự tính sẽ thực hiện một loạt các sách kỷ niệm những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ… nổi tiếng như:
- Kỷ Niệm Về Nhạc Sĩ TRƯỜNG KỲ
- Kỷ Niệm Về Giáo sư LÊ HỮU MỤC
- Kỷ Niệm Về Nhạc Sĩ LAM PHƯƠNG
- Kỷ Niệm Về Nhạc Sĩ LÊ DINH
- Kỷ Niệm Về Thi Hào HÀ THƯỢNG NHÂN
- Kỷ Niệm Về Nhà Văn, Luật Sư TRẦN THANH HIỆP
- Kỷ Niệm Về Giáo Sư NGUYỄN THANH LIÊM
- Kỷ Niệm Về Nhà Văn, Nhà Báo THANH THƯƠNG HOÀNG
- Và v.v…
Ước mong những dự án trên sẽ được sự tiếp tay của các văn, thi, nhạc, ca sĩ khắp nơi, để công việc được tiến hành một cách suôn sẻ, ngõ hầu để lại cho hậu thế những viên ngọc quý khi cần đến các tài liệu để tham khảo.
Nếu ta có thể lần giở trang văn học Việt trong những thập niên hậu bán thế kỷ 20 và đầu Thế Kỷ 21, ta sẽ nhận ra ba khuynh hướng trong văn chương Việt Nam do ba nhóm chủ trương, có thể liệt kê rỏ ràng sau đây:
1/ Tự Lực Văn Đoàn:
Ngược dòng thời gian, trước 1954, bố vợ của GS DQS là nhà thơ Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, một trong những khuôn mặt nổi của TLVĐ. DQS bị ảnh hưởng bởi thời cuộc trong những năm kháng Pháp. Ông cùng các chàng trai thế hệ theo kháng chiến chống thực dân Pháp. TLVĐ trong văn chương của nhóm phảng phất nét chống Pháp (Nhân vật Dũng trong Đoạn Tuyệt), chống nạn cường hào ác bá, đả phá tạp tục hủ lậu, mê tín dị đoan (tác phẩm Nửa Chừng Xuân là điển hình).
2/ Nhóm Sáng Tạo (NST):
Sau khi di cư vào Nam 1954, GS DQS cùng LS Trần Thanh Hiệp khai sáng ra NST, rồi có sự góp mặt của Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Sĩ Tế và 2 họa sĩ Duy Thanh cùng Ngọc Dũng. Về sau lại thêm Tô Thùy Yên. Vì ra đời tại miền Nam thời tự do, chủ trương nhóm muốn cải cách thơ văn mới. Qua thơ văn của Thanh Tâm Tuyền phải nói ảnh hưởng dòng thơ Pháp, màu sắc triết học phương Tây.
Tuy vậy DQS vẫn theo cổ xúy gìn giữ văn hóa Việt qua “Gìn Vàng Giữ Ngọc”, “Người Việt Đáng Yêu”,...
NST có công làm phong trào thơ mới nở rộ, DQS đem văn chương Việt Nam gìn giữ cội nguồn, đề cao nhân bản. NST có sự quân bình trong chủ trương.
3/ Văn Đàn Đồng Tâm:
VĐĐT ra đời tại hải ngoại sau 1975 có những điều lợi cũng như bất lợi. Thời internet nối kết toàn cầu, khiến việc kiếm tài liệu dễ dàng hơn, nối kết bạn bè ở khắp các nơi liên lục địa Mỹ, Âu, Á Úc châu dễ dàng, in sách dễ dàng. Bất lợi số độc giả tại hải ngoại giới hạn. Việt ngữ không có tương lai bền vững.
VĐĐT chủ trương phát huy, nối tiếp nền văn chương không CS. Cố gắng đào tạo các nhà văn trẻ nối tiếp nền văn học VNCH. Trong VĐĐT hiện tại cao niên nhất là GS DQS 87 tuổi, trẻ nhất là SV dược khoa Vũ Duy Yến Ngân, 20 tuổi sinh ra và định cư tại Munchen, Đức Quốc. Yến Ngân rất thích đọc truyện Việt Nam. Em viết Việt ngữ rất chuẩn.
VĐĐT chủ trương theo chủ trương văn học thuần túy. Tuy vậy về chính trị, văn học đấu tranh VĐĐT hợp tác với Nhóm Liên Kết ấn hành sách đấu tranh. Về xã hội VĐĐT họp tác với tổ chức Tập Thể Chiến Sĩ VNCH gây quỹ Thương Binh, gây quỹ xây Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ tại Orlando, Florida.
Có thể nói một cách khách quan về những gì chúng ta nhận được từ các văn đàn tiêu biểu kể trên là rất quan trọng, là nền tảng văn học thời thượng! Tự Lực Văn Đoàn mở ra một khung trời tân học, tìm kiếm cái mới cho cả một đất nước còn bao trùm trong tình hưống giao thoa giữa chữ Nho và quốc ngữ. Đây là một thời đại văn chương chuyển mình ý nghĩa nhất trong lịch sử văn học Việt. Thời Việt Nam Cộng Hoà, Những kẻ có lòng như các nhà văn nhà thơ chạy từ Bắc vào Nam đã thành lập Nhóm Sáng Tạo. Cái công to nhất của nhóm Sáng Tạo là chuyễn mình từ những cái củ thành mới, hoà nhập vào dòng văn học chung trên trường quốc tế!
Nhưng khi ra hải ngoại, người Việt tị nạn chúng ta không ít bị chao đảo và trong lúc nào đó có thểmất lòng tin, mất cả gốc…Giáo Sư Doãn Quốc Sĩ và nhóm Văn Đàn Đồng Tâm đã làm được một việc mà sau nầy lịch sử văn học ViệtNam sẽ ghi nhận; đó là hướng về một chân trời mới, mở ra cho lớp trẻ ở hải ngoại nhận biết được vai trò quan trọng của sự gìn giữ tiếng Việt. Văn Đàn Đồng Tâm đã từng bước khuyến khích lớp trẻ sáng tác, tham gia vào các sinh hoạt văn học… Thoát thai từ những học sinh ưu tú của trường Petrus Ký, Việt Hải đã có công lớn hợp tác với Bác Sĩ Tạ Xuân Thạc đứng bên cạnh GS Doãn Quốc Sỹ thành lập Văn Đàn Đồng Tâm. Từ ngày ấy đến nay, có thể nói là một bước thật dài đánh dấu bốn năm thành qủa.
Kỷ niệm Đệ Tứ Chu Niên ngày thành lập Văn Đàn Đông Tâm, cũng là ngày kỷ niệm những đứa con mà Văn Đàn đã cho xuất bản, được toàn thể văn hữu và độc giả xa gần mến thương gắn bó... Đây là một niềm vui cho các thành viện trong Văn Đàn Đồng Tâm, nhưng cũng mới chỉ là bước đầu thực hiện giấc mơ mà những người có công khai sáng Văn Đàn hằng mong muốn! Là một thành viên, tôi rất hãnh diện được góp phần và mong rằng Văn Đàn Đồng Tâm mỗi ngày một xứng đáng với lòng tin tưởng của bao nhiêu người Việt trẻ xa quê hương muốn “lò sưởi VĐĐT” lúc nào cũng có ngọn lửa bùng to trong đêm dài nơi xứ lạ quê người…
|
|